Bên cạnh những tòa nhà, khu phố hiện đại, sôi động, ở đất nước Hồi giáo Malaysia còn mang vẻ đẹp cổ kính, thanh bình và nền văn hóa đa sắc độc đáo và hấp dẫn.
Nắm rõ những kinh nghiệm dưới đây, bạn sẽ có một chuyến du lịch dễ dàng và thú vị.
1. Thời gian lý tưởng nhất để khám phá đất nước đa sắc tộc Malaysia là từ tháng 6 đến tháng 8, lúc này trời ít mưa. Ngoài ra đây là thời điểm sale off lớn nhất trong năm, bạn có thể mua hàng giảm giá tới 70%.
2. Malaysia có khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ dao động từ 27-32 độ C, vì vậy du khách nên mặc những bộ đồ nhẹ bằng chất liệu mát mẻ và mang theo áo dài tay hay khăn choàng mỏng đề phòng những trường hợp cần thiết.
Nếu không có thời gian, hãy chọn du lịch Malaysia bằng xe Hop on Hop off với giá 300.000 đồng, bạn có thể đi qua 40 thắng cảnh và dừng lại tại 22 bến. Ảnh: ngoisao
3. Giờ Malaysia trước một tiếng đồng hồ so với giờ Việt Nam. Ở Malaysia, các cửa hàng và siêu thị thường mở cửa rất muộn, từ 10h sáng đến 22h. Tuy nhiên cũng có cửa hàng mở cửa 24/24 giờ ở thủ đô Kuala Lumpur.
4. Khi đến sân bay, bạn nên mua một thẻ sim điện thoại, sẽ rẻ hơn nhiều nếu bạn gọi ở khách sạn hay ở nơi công cộng. Loại sim điện thoại phổ biến và rẻ nhất đối với du khách là DiGi, giá 21RM (khoảng 150.000 đồng). Nhưng bạn nhớ trình passport để mua thẻ sim.
5. Bạn nên kiểm tra tỷ giá trên internet hoặc báo chí có sẵn trên máy bay trước khi quyết định đổi tiền tại sân bay, khách sạn hoặc ngân hàng. Ngân hàng mở cửa từ 9h30 đến 15h. Thường ở các trung tâm mua sắm, đổi tiền sẽ được nhiều hơn khi ở sân bay.
6. Cách tốt nhất để từ sân bay về khu trung tâm là đi xe buýt đến KL Sentral, trạm trung chuyển lớn nhất Kuala Lumpur để chuyển tiếp đến các địa điểm khác trong thủ đô. Xe chạy khoảng một tiếng với giá 50.000 đồng.
7. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe bus phủ khắp thành phố, số tuyến dày đặc, chi phí hợp lý rất tiện lợi cho du khách. Tùy thuộc vào quãng đường và nơi ở, bạn có thể lựa chọn cho mình một loại hình phù hợp nhất. Bạn có thể chọn mua thẻ tại các quầy dịch vụ đặt rải rác ở KL Sentral hoặc chọn mua vé cho từng chặng riêng lẻ.
Monorail là loại hình tàu điện trên cao một đường ray khá phổ biển ở Malaysia. Ảnh: ngoisao
8. Ngoài ra còn có thể đi taxi, tuy nhiên taxi ở đây hoạt động rất phức tạp, hầu hết các tài xế đều nói xe của họ có tính giờ chuẩn xác. Bạn hãy chú ý thỏa thuận giá cả với họ nếu không bật đồng hồ, còn nếu không, phải nhắc họ. Nên tham khảo quãng đường trên bản đồ Google Maps để ước lượng số tiền cho hợp lý.
9. Vé xe ở Kuala Lumpur thường là các đồng xèng bằng nhựa màu xanh. Trước khi lên, bạn quẹt đồng xèng vào thiết bị cảm biến để mở cửa bước vào nơi đợi xe thích hợp. Khi ra, bạn bỏ đồng xèng vào khe ở lối ra, cửa sẽ tự động mở.
10. Có thể chọn xe buýt Hop On Hop Off để đi vòng quanh thành phố, xe sẽ dừng lại ở những địa điểm nổi tiếng để du khách tự do xuống tham quan và chụp ảnh. Bạn lưu ý vì 30 phút sẽ có một chuyến, vé có giá trị sử dụng trong vòng 24 giờ, giá hơn 300.000 nghìn đồng.
11. Khác với ở Việt Nam và một số nước châu Á, ở Malaysia, người ta lái xe bên lề trái, vì vậy khi sang đường, bạn phải rất cẩn thận.
12. Thường ở các khách sạn ở Malaysia đều phải cộng thêm 10% tiền dịch vụ và 5% thuế, vì thế, khi yêu cầu nhân viên khách sạn làm gì, bạn không cần phải "boa" cho nhân viên.
13. Nếu đi du lịch Malaysia, bạn nhớ mang theo ổ cắm đa năng bởi trong hầu hết các khách sạn, người ta chỉ dùng phích cắm 3 chấu nên bạn sẽ gặp khó khăn nếu sạc pin cho các loại máy móc. Tuy nhiên, ở một vài khách sạn, bạn đến quầy lễ tân và yêu cầu cho mượn ổ chuyển.
Phố cổ Malacca, Malaysia ngày cuối tuần tấp nập khách du lịch. Ảnh: Anh Phương
14. Hãy ăn mặc kín đáo nếu bạn có ý định đến thăm các đền thờ Hồi giáo hoặc những công trình kiến trúc tôn giáo khác. Bạn nên tìm hiểu thông tin, nét đặc trưng của người dân bản xứ, để giày dép ở bên ngoài nhà thờ.
15. Hầu hết người dân Malaysia theo đạo Hồi, vì vậy khi đến thăm nhà họ bạn phải gọi điện trước. Khi vào nhà, bạn phải để giày dép bên ngoài. Người ta thường có thói quen đưa tay sờ vào lòng bàn tay của người kia, tuy nhiên, bạn tránh đưa tay trái khi đưa tay hay nhận bất cứ vật gì từ họ, vì người Malysia quan niệm bàn tay trái không "sạch sẽ".